tìm bệnh theo tên (nhập chữ cái đầu tiên của tên bệnh bạn muốn tìm) ABCDEGHKMNOPQRSTUVX
Bệnh quanh chén rượu Một chút rượu bia có thể không gây tác động xấu đến sức khỏe con người, nhưng nếu bạn dùng quá nhiều rượu sẽ sinh ra các bệnh liên quan đến gan, rối loạn tâm thần và hành vi, thoái hóa hệ thần kinh, nhiễm độc, bệnh dạ dày và bệnh tim. Đó là những bệnh có tỷ lệ tử vong cao.
Tác hại của rượu
Theo nhiều nghiên cứu, chất cồn khi vào cơ thể, nếu vượt quá mức cho phép dù chỉ rất ít cũng sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khoẻ thể chất và tâm thần. Trước tiên, nó tác động trực tiếp đến tâm lý: làm giãn các mạch máu, đặc biệt là các mạch máu bên ngoài. Điều đó lý giải vì sao sau khi dùng đồ uống có cồn chúng ta lại có cảm giác ấm lên. Sau khi uống rượu, việc điều chỉnh nhiệt lượng tự nhiên của cơ thể không còn hiệu lực nữa, do cồn còn có tác dụng gây mê, nên cảm giác lạnh không còn cảm nhận được. Do đó uống đồ uống có cồn trong mùa đông có thể dẫn đến lạnh cóng cho đến chết.
Chất cồn tác động rất lớn đến bộ não. Ngay khi chỉ uống một lượng vừa phải (0,2 phần ngàn cồn trong máu, tương đương với 0,3 lít bia hoặc 100ml rượu vang), tùy theo cân nặng và cấu tạo của cơ thể, cồn đã có tác động đến hệ thống thần kinh và đặc biệt là lên não: góc nhìn bị thu hẹp lại và thời gian phản ứng chậm đi. Các nhà nghiên cứu của Đại học Stockholm đã tìm thấy rằng, uống 50g cồn hằng ngày sẽ để lại tác hại vĩnh viễn. Ước lượng vào khoảng 100.000 tế bào não sẽ bị giết chết khi uống một ly bia. Trong một cơn say rượu, con số tế bào não chết đi có thể lên đến 10.000.000.
Đồ uống có cồn cũng ảnh hưởng đến tình dục và khả năng có con. Cồn làm giảm tính tự kiềm chế và vì thế tăng hưng phấn tình dục. Cồn thuộc vào các chất có tác dụng độc hại đến tinh hoàn và tinh trùng. Nam giới uống rượu trước khi sinh hoạt tình dục chẳng những làm tăng khả năng sảy thai ở người vợ mà còn có thể ảnh hưởng đến việc phát triển của đứa con sinh ra. Người mẹ uống rượu trong thời gian mang thai dễ sinh ra các đứa trẻ có khuyết tật về trí tuệ.
Bệnh do nghiện rượu
Viêm gan: Viêm gan do rượu là tình trạng viêm và hoại tử tế bào gan kéo dài 1 - 2 tuần. Triệu chứng gồm: chán ăn, buồn nôn, ói, đau bụng, sốt, vàng da, thỉnh thoảng có rối loạn tâm thần. Bệnh có thể diễn tiến đến xơ gan do rượu qua nhiều năm. Xơ gan do tế bào gan bị tổn thương thường xuyên. Gan nhiễm mỡ là giai đoạn sớm của bệnh gan do rượu, nếu bệnh nhân ngừng uống rượu ở giai đoạn này bệnh có thể tự khỏi. Rượu có thể gây tổn thương gan dù uống ít nếu dùng chung với thuốc có chứa acetaminophen. Viêm gan do rượu có thể gây tử vong, đặc biệt nếu bệnh nhân có tổn thương gan trước đó.
Sảng run: Bệnh sảng run chỉ xảy ra ở người nghiện rượu. Nguyên nhân gây ra sảng run là nhiễm độc hệ thần kinh và rối loạn chuyển hóa do rượu. Bệnh xuất hiện sau khi ngừng uống rượu từ khoảng 12 - 48 giờ với 2 nhóm triệu chứng nổi bật. Một là rối loạn ý thức kiểu mê sảng: mất năng lực định hướng không gian và thời gian, nhận dạng người thân kém, mất ngủ hoàn toàn hay ngủ chập chờn vật vã với nhiều ác mộng; luôn ở trong tình trạng lo âu, sợ hãi, căng thẳng, nhìn nhưng không thấy; có các ảo giác, ảo thanh... nên hay có các phản ứng tự vệ nguy hiểm cho người xung quanh. Hai là các rối loạn về thần kinh: toàn thân run lập cập, nói lắp bắp ngắc ngứ, đi loạng choạng nên rất dễ vấp ngã gây chấn thương sọ não, gãy xương, vỡ tạng... Nặng hơn, có bệnh nhân còn lên cả cơn co giật như động kinh. Tình trạng rối loạn ý thức thường tăng lên về chiều tối. Ngoài ra, người bị sảng run còn có các rối loạn thần kinh thực vật trầm trọng như ra mồ hôi đầm đìa như tắm ngay cả khi nghỉ ngơi, khát nước, da tái, kém đàn hồi, đái ít, buồn nôn, nôn, đau bụng, đi lỏng, sốt, tim đập nhanh, huyết áp không ổn định... Một số rất ít trường hợp sảng run tự thuyên giảm sau vài ngày. Phần lớn trường hợp nếu không điều trị sẽ tiến triển xấu; các rối loạn ngày càng trầm trọng, khiến người bệnh có nguy cơ tử vong.
Bệnh gút: Lượng cồn nhiều là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh gút. Ban đầu, các chất cồn dư thừa, tích tụ lại sau nhiều lần quá chén sẽ gây ra những trục trặc cho quá trình trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng. Sự tích tụ chất này trong các ổ khớp sẽ dẫn đến bệnh gút, phá huỷ mạn tính khớp, gây nên các cơn viêm khớp cấp với các biểu hiện sưng đỏ và đau nhức. Mỗi lần uống liên tục nửa lít rượu mạnh sẽ làm gia tăng lượng axít uric trong máu.
Bệnh tim mạch: Tim cũng có cấu tạo là một loại cơ, mà các loại đồ uống có nồng độ cồn cao làm suy yếu các cơ nên đương nhiên sẽ làm suy yếu tim mạch. Tim sẽ không thể bơm máu đi một cách hiệu quả như bình thường, khi đó sẽ xảy ra hiện tượng dồn chất lỏng lên phổi. Nồng độ cồn càng cao, tác động lên tim càng lớn, chúng làm hẹp các mạch máu và tăng áp lực trong máu, buộc tim phải họat động mạnh hơn. Ngoài ra chúng còn gây ra chứng rối loạn nhịp tim.
Bệnh phổi: Khoảng 5% lượng cồn trong máu sẽ nhanh chóng khuếch tán vào trong các túi nằm trong phổi. Các túi phổi sẽ làm ấm dung dịch cồn, chuyển chúng thành dạng hơi mà khi chúng ta thở ra, các phân tử hơi này sẽ là tiêu chí để đo lượng cồn trong hơi thở. Nếu uống rượu trong một thời gian dài, các chất cồn sẽ làm mất đi một chất chống ôxy hoá quan trọng trong phổi, từ đó phổi bị tổn thương vĩnh viễn và vô hình chung đặt cơ thể bạn trước nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như viêm phổi cũng như các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp khác.
Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng: Sau khi được đưa vào cơ thể, dạ dày là trạm dừng chân đầu tiên của cồn. Chỉ trong vòng 5 phút, 20% quân số sẽ lập tức xâm nhập vào máu bằng cách trượt đi giữa các tế bào biểu mô sản xuất chất nhầy. Tại đây, cồn sẽ làm suy yếu các biểu mô bảo vệ dạ dày, do đó tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm, ợ nóng, viêm loét và chảy máu.
Ngoài ra, nghiện rượu còn ảnh hưởng đến gia đình và cả xã hội. Một số trường hợp bạo lực đối với người chung sống hay con cái cũng do rượu gây ra.
Tác giả: BS. Nguyên Diễn
Nguồn: Báo Sức khoẻ & Đời sống số 162 ngày 10/10/2010